Rừng cát ở các chiến khu Thái An, Thanh Sơn, Cóc Chua, Ô Rô (Bình Thuận) con Dông nhiều vô thiên lủng. Từ những năm 1946-1950 Bình Thuận kháng chiến chống Pháp, còn rừng nguyên sinh, thịt Dông góp phần nuôi người kháng chiến.
Rừng mọc đủ loại cây, mùa mưa nước xối tới đâu cát hút sạch tới đó. Chỗ cát mua trôi lá rừng, cây con lúp xúp là giang sơn của Dông.
Dông thuộc loại bò sát trong khi kỳ đà, tắc kè, kỳ nhông, bề ngoài dị hợm, mắt lồi, vảy cứng, gai góc, sừng giữa đầu. Dông không như thế, da mượt láng, dễ thương, thấy động chỉ cắm cổ chui hang. Dông có ba lứa. Dông trống, dân địa phương gọi là dông thềm, to gấp đôi dông mái. có con nặng hằng hai ba ký lô.
Dông mái da nâu, mùa sinh nở nắng soi bụng thấy cả chùm trứng hồng trong bụng. Cát ẩm đầu mùa mưa, trứng nở con gọi là dông cắc ké. Dông loại nào đào hang loại đó. Hang dông thềm sâu trong cát trổ ngách phòng rắn chui hang. Dông cắc ké mới nở đã chạy có cờ, “dông” mất tiêu chui hang chớp mắt. Bắt dông có ba cách. Dông có tập tính chiều trời chưa lặn đã ngủ sớm, đùn cát lấp miệng hang sợ rắn chui vào ăn thịt.
Lựa hang dông to, dùng đầu gậy giả làm rắn chui hang để dông sợ phóng ra. Bắt cách này gọi là dò dông. Cách bắt phổ biến là dùng bẫy tre với chiếc cần buộc dây. Cần bật mạnh khi dông chui vào bẫy, hai thanh tre kẹp vào cổ dông. Đi thăm cả chục chiếc bẫy, thường mát tay đem về cả xâu, phần lớn là dông mái. Bắt dông ở cuối mùa đông để dành ăn Tết, thường đào dông. Đào dông chỉ bắt dông thềm cho đáng công. Có hang đào như đào giao thông hào. Người đào bất cẩn bị cát lún chôn sống không kịp trở tay.
Người dân làm rẫy ở miền rừng cát, các chiến khu rừng cát, không có vô thiên lủng thịt con dông cung cấp đạm bổ dưỡng, thì khó duy trì sức khỏe. Vài món dễ làm đã cho thấy khoái khẩu tuyệt vời là món dông nướng, đến dông tẩm bột mì, dông băm xúc bánh tráng nướng, dông quay, đều là món sơn hào. Do thịt dông ngon như vậy nên dân nhậu khắp nơi sùng bái!
Thời điểm này giá dông mắc hơn giá thịt gà. Dân tại chỗ săn lùng dông thiên nhiên tới mức “cạn tàu ráo máng” cộng thêm lâm tặc phá rừng nên dông ở trên bờ đã tuyệt chủng. Giá “dông hơi” ở Sài Gòn mắc mấy cũng có người mua, cung không đủ cầu. Nhiều bà con ở Bình Thuận nuôi được dông nhờ đó giàu lên trông thấy.
Dông dễ nuôi miễn sao môi trường giống như ở thiên nhiên. Thức ăn không khó, ngày trước muốn có dông để dành ăn Tết, từ cuối mùa dông lựa những con dông thềm, dông mái, bẻ xương sống lưng cho dông hết chạy, quăng dông vào thúng cám 5, 6 tháng trời dông vẫn sống khỏe. Trong mâm cỗ Tết nhà nào có thịt dông thì ai cũng vị nể.
Hồi kháng chiến ở chiến khu Ô Rô có cuộc thi tài bắt dông. Ông Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh đoạt giải nhất bẫy dông. Anh Ngôn ở nhà in Hồ Quang Cảnh đoạt giải nhất dò dông. Còn đào dông không thấy có giải vì thường xảy ra chết người.
Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch cuối năm 1946 đúng dịp Tết được Bác Hồ cử làm đặc phái viên vào Bình Thuận thăm chiến khu Ô Rô động viên kháng chiến chống Pháp. Liên hoan do tỉnh chiêu đãi anh món chủ lực dông băm đệm bánh tráng nướng đặc sản nổi tiếng của Chợ Lầu. Phái viên của Bác Hồ tấm tắc khen hoài: “Chà! Ăn thịt gà rừng ngon quá”. Tủm tỉm cười, ông chủ tịch tỉnh rỉ tai phái viên, ứng khẩu:
Gà rừng gáy ở rừng sâu
Thịt dông Bình Thuận tưởng đâu thịt gà
Dông ngon như thịt gà nhà
Bổ sung chất đạm, dông… quà trời cho
Anh Tư thưa với Bác Hồ
Góp phần kháng chiến, tỉnh nhờ thịt dông.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét