Trang trại Bảy Đức - Đ/c: Thôn Tiến Hiệp, xã Tiến Lợi, Phan Thiết, Bình Thuận




Cung cấp dông giống cho hộ gia đình muốn phát triển nghề nuôi dông và hướng dẫn phương pháp nuôi.

Cung cấp dông thịt cho nhà hàng, quán ăn có chất lượng, uy tín, giá phải chăng.

Liên hệ: Trang trại ông Bảy Đức. Địa chỉ: Thôn Tiến Hiệp - xã Tiến Lợi - Phan Thiết - Bình Thuận.

Điện thoại nhà: 062.3.729.964. Điện thoại di dộng: 0188.917.3137. Email: Thanhthuydpi@yahoo.com.vn. Nickchat yahoo: Thanhthuydpi

Con Dông là nguồn thực phẩm tự nhiên vô giá và là đặc sản đặc sắc của vùng ven biển Phan Thiết - Bình Thuận quê tôi. Mời các bạn ghé thăm trang Blog để biết thêm về loài Dông, các món ăn đặc sắc từ Dông và kỹ thuật nuôi dông.

Chủ Nhật, 30 tháng 10, 2011

Thịt dông, món ngon Ninh Thuận



Nuôi dông đã trở thành một hướng đi hiệu quả ở những huyện ven biển của tỉnh Ninh Thuận.
Thịt dông nướng, món ăn hấp dẫn với nhiều du khách.
Từ Tâm là tên một thôn thuộc xã Phước Hải (huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận). Nơi đây có dông (nhông) tập trung nhiều, là nơi cung cấp thịt dông cho các chợ, nhà hàng, quán nhậu trong tỉnh Ninh Thuận.
Vì dông là “họ hàng” gần gũi với kỳ nhông, tắc kè, rắn mối, nên những ai chưa từng biết đến con dông thoạt nhìn cũng có hơi… khó chịu. Tuy nhiên, đó chỉ là những cảm giác ban đầu, bạn sẽ quên ngay sau đó khi trước mặt là những dĩa nhông ram, nhông xào, gỏi nhông dậy mùi thơm phức; cắn vào một miếng thấy giòn tan và béo ngậy, như có sự phối hợp hoàn chỉnh giữa thịt ếch, chuột đồng và chim sẻ vậy.
Dông ở Ninh Thuận có 4 loại: dông lửa, dông rằn xám trắng, dông bột, dông đen. Chúng chỉ thích sống ở những động cát khô khát. Do chạy nhanh, “ngụp lặn” như... sao xẹt trên những suối cát mịn màng mà dông được phong cho biệt danh là ông “vua” của những đồi cát. Một điều lạ là cũng trên vùng cát nóng bỏng này, có một loài cây bụi lá nhỏ từa tựa như lá đinh lăng (cây gỏi cá), thơm mùi hăng hắc rất đặc trưng. Một dúm lá non thái nhỏ trộn chung với thịt dông, thêm ít gia vị, sẽ thành món gỏi ngon tuyệt. Dân địa phương gọi luôn cây này là cây lá dông, một cây một con, “hạp nhau” như lá lốt với thịt bò, thịt cầy với lá mơ.
Những vùng đồi cát có nhiều rau dại như sam, chành rành, muống biển… là nơi dông rất thích ở và đào hang. Từ tháng 3 đến tháng 6 âm lịch, dông sinh trưởng mạnh nhất. Con dông chỉ ra khỏi hang kiếm ăn vào mùa nắng. Mùa mưa chúng ẩn mình trong hang sâu, có khi đến 2-3 mét. Dông nhịn đói rất tốt và khi đói quá chúng…tự ăn đuôi của mình để rồi sau đó lại mọc ra như cũ. Thường thì người ta bắt dông bằng cách làm thòng lọng bằng dây cước cắm ngay miệng hang, muốn chắc ăn hơn thì bắt bằng cách đào hang. Song thường phải có hai người- một người đào và một người đứng canh chừng, bởi đã có nhiều trường hợp người đào dông bị chết do cát sụt lấp không moi lên kịp. Những ngày nắng nóng, một người có thể bắt được 3 - 5kg dông, ngày trời mát, dông ít lên, bắt được ít hơn.
Do bị con người săn bắt, từ dông mẹ đến dông con, kể cả mùa dông sinh sản để cung cấp cho nhà hàng, quán nhậu nên nguồn dông tự nhiên ở đây hiện không còn bao nhiêu. Vài năm trở lại đây, nhiều hộ dân ở các huyện ven biển của Ninh Thuận đã bắt tay vào nuôi dông để phục vụ nhu cầu của thực khách địa phương và nhiều vùng khác trên cả nước. Nuôi dông đã trở thành một hướng đi hiệu quả đối với những vùng có động cát của tỉnh này. Riêng ở thôn Từ Tâm (xã Phước Hải, huyện Ninh Phước) có nhiều hộ nuôi dông quy mô lớn (từ vài ngàn đến vài chục ngàn con). Thức ăn khoái khẩu của dông là các loại rau, củ quả như cà chua, rau muống, dưa hồng... Chỉ cần khoảng 10.000 đồng rau quả là đủ cho 1.000 con ăn mỗi ngày. Ngoài ra, người nuôi còn cho dông ăn cám gạo, cám hỗn hợp và các loại đậu. Loài dông đẻ rất nhanh, từ khi mang trứng đến khi nở con chỉ khoảng 10 ngày. Dông đạt trọng lượng từ 6 - 12 con/kg thì xuất bán, với giá bình quân từ 280.000 – 300.000đ/kg. Đời sống của nhiều hộ nông dân ở Tứ Tâm đã khá giả nhờ nuôi dông.
Có dịp nào đến Ninh Thuận, ngồi trong nhà hàng, quán nhậu, bạn chớ quên thưởng thức một vài món thịt dông bản địa. Thịt dông làm được nhiều món: gỏi, xào, nướng, ram, băm nhuyễn cháy chả, nấm canh chua. Riêng tôi cứ nhớ món dông luộc nguyên con xé ra từng miếng, chấm vào dĩa muối ớt đỏ nồng, chiêu một hớp rượu, thật khoái khẩu làm sao !

Thứ Sáu, 28 tháng 10, 2011

Nuôi Dông - nghề hấp dẫn

Với ưu điểm dễ nuôi, vốn đầu tư không quá lớn, thời gian nuôi ngắn đặc biệt lãi cao nên trong thời gian gần đây, người dân huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận đã rộ lên phong trào nuôi dông.

Nghề nuôi hấp dẫn
Gia đình anh Trần Xuân Tuệ ở khu phố Xuân Hội, thị trấn Chợ Lầu, huyện Bắc Bình năm 2007 đầu tư 15 triệu đồng mua 5.000 con dông giống về thả tại khu vườn đất cát 1.000m2 ngay cạnh nhà. Để cho dông không thoát được ra ngoài, anh xây tường bao quanh khu vườn, cao 1,5m, móng sâu khoảng 60cm. Anh Tuệ cho biết: Do dông sống trong hang nên bắt buộc nuôi dông phải là các vườn đất cát để cho chúng đào hang. Thức ăn ưa thích của dông là các loại rau, củ quả như cà chua, rau muống, dưa hồng...
Chỉ cần khoảng 10.000 đồng mua rau quả, đồng thời tận dụng cơm thừa sau bữa ăn là đủ cho 5.000 con ăn mỗi ngày. Loài dông đẻ rất nhanh, từ khi mang trứng đến khi nở con chỉ khoảng 10 ngày. Dông lớn nhanh, từ khi mới đẻ đến khi xuất chuồng chỉ khoảng 7 - 8 tháng, đạt trọng lượng 3 - 4 con/kg đối với dông đực và 5 – 7 con/kg đối với dông cái. Giá dông thương phẩm, tùy từng thời điểm nhưng dao động từ 180.000 – 250.000 đồng/kg thậm chí có lúc lên tới 300.000 đồng/kg. Sau một năm nuôi dông, với lượng bán ra, trừ chi phí anh Tuệ còn lãi trên 30 triệu đồng, chưa kể trong vườn vẫn còn rất nhiều dông lớn nhỏ trị giá trên 30 triệu đồng nữa anh chưa thu hoạch.
Theo ông Ngự, chi phí về thức ăn cho dông rất thấp, người dân chủ yếu tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp, đầu tư chuồng trại đơn giản, công chăm sóc ít, chi phí thuốc thú y phòng chống dịch bệnh hầu như không đáng kể, giá bán cao trong khi đó thị trường tiêu thụ rộng lớn như thành phố Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Lâm Đồng…; ngay tại địa phương nhu cầu cũng rất lớn. Từ các yếu tố thuận lợi này nên hiệu quả kinh tế nuôi dông rất hấp dẫn, bình quân thu lợi nhuận từ 20 – 30 triệu đồng/trại/1.000m2.
Ông Đinh Văn Ngự, Trưởng phòng NN - PTNT huyện Bắc Bình cho biết: Dông được coi là đặc sản của tỉnh Bình Thuận. Vì thịt dông quý và bổ nên có một thời gian, đào dông, bẫy dông được coi là nghề “hái ra tiền” của người dân nơi đây, chính vì vậy mà dông trong tự nhiên tại Bắc Bình có nguy cơ bị tuyệt chủng. Từ đó, nhiều nông dân trong vùng đã chú ý đến việc thu gom và nhân giống, để tổ chức nuôi dông nhân tạo, dần tạo ra nghề mới cho thu nhập khá ở vùng đất nổi tiếng nghèo khó này.
Nghề nuôi dông tại Bắc Bình phát triển được khoảng 4 năm nay, rồi lan rộng ra các tỉnh Ninh Thuận, Khánh Hòa... Theo số liệu của Phòng NN & PTNT huyện Bắc Bình, tính đến đầu năm 2009, diện tích nuôi dông trong toàn huyện đã lên gần 25 ha, tăng thêm 11 ha so với năm 2007, trong đó nhiều nhất ở các xã Hồng Phong 5 ha, Hòa Thắng 5,5 ha, thị trấn Lương Sơn 5 ha, Sông Lũy 0,7 ha, Hồng Thái 2,5 ha và các xã khác chiếm diện tích gần 6 ha.
Băn khoăn
Thực tế nghề nuôi dông tại Bắc Bình vẫn còn nhỏ lẻ, mật độ nuôi thấp, chỉ từ 1-4 con/m2. Các biện pháp kỹ thuật áp dụng nuôi dông hầu như vẫn chưa có, người nuôi chủ yếu thực hiện theo kinh nghiệm truyền từ người này sang người khác. Người nuôi dông còn gặp không ít khó khăn về vốn đầu tư mua con giống do giá giống khá cao. Bên cạnh đó, mặc dù Bắc Bình chưa xuất hiện dịch bệnh trên con dông, nhưng khi đã nuôi dông theo phương thức thâm canh với mật độ cao thì nguy cơ xảy ra dịch bệnh là khó tránh khỏi.
Do vậy việc tổ chức tập huấn chuyên đề kỹ thuật nuôi dông, nhất là cách phòng tránh các loại dịch bệnh cho người dân lúc này rất cần thiết. Theo ông Ngự thì hiện nay các địa phương đã bắt đầu triển khai thành lập các câu lạc bộ nuôi dông, mục đích để nông dân có điều kiện hỗ trợ nhau về kỹ thuật, giá cả và tìm thị trường tiêu thụ. Cùng với đó, Phòng Nông nghiệp huyện cũng đang tiến hành xây dựng quy trình kỹ thuật nuôi dông để phổ biến cho người dân; kiến nghị với huyện chỉ đạo các ngân hàng cho người nuôi dông vay vốn phát triển nghề nuôi hấp dẫn này…

Thứ Sáu, 7 tháng 10, 2011

Nuôi dông vùng cát


Ở nơi toàn cát, cây bụi và phi lao của Phú Yên, đang manh nha nghề nuôi dông, một loài bò sát hoang dã đang có nguy cơ tuyệt diệt do “phong trào” tiêu thụ đặc sản này rộ lên mấy năm gần đây.
Tiên phong nghề mới có lẽ là một gia đình chuyên nghề nuôi vịt ở Phú Yên. Tại phường Phú Thạnh, TP Tuy Hòa, Phú Yên, ông Huỳnh Ngọc chăn nuôi vịt siêu trứng không còn hiệu quả do thức ăn đắt, giá thành trứng thấp.

Tháng 4/2008, ông Ngọc bán một bò đực giống được 12 triệu đồng. Ông đầu tư hai triệu đồng làm chuồng 60m2, sáu triệu đồng mua 10 kg giống dông, mỗi kilôgam 25-30 con, mỗi con bằng ngón tay trỏ. Trong 300 con dông khởi nghiệp, có 80% là cái, còn lại là đực.

Cày tung biển cát

Những bãi cát hoang vu, cây bụi cằn cỗi dằng dặc, hàng nghìn năm qua, chẳng ai đoái hoài. Thế mà mấy năm lại đây, dọc chiều dài bờ biển 189 km Phú Yên, thấp thoáng giữa những ngư dân, người ta thấy các toán người lúi húi đào moi hố cát.

Nhộn nhịp nhất là ở các xã Xuân Hải (huyện Sông Cầu) và xã Hòa Tâm (huyện Đông Hòa). Nơi đây tự lúc nào hình thành nghề mới, nghề đào và bẫy dông.

Cữ từ tháng 2 dương lịch đến tháng 5, một loạt tỉnh duyên hải nam Trung Bộ (Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận) vào vụ tận diệt dông để phục vụ các bàn nhậu từ bình dân đến cao cấp.

Dông (nhông) là loại bò sát có bốn chi, cùng họ với thằn lằn, rắn mối. Thịt dông ngon và bổ được coi là món ăn đặc sản của Xứ Nẫu. Phú Yên có hai loại dông chính, dông lửa và dông đen.

Thịt dông cát còn có tác dụng chữa hen suyễn, ghẻ lở, bồi bổ cho trẻ em gầy yếu, theo Viện sĩ Thông tấn Liên Xô (cũ) LS.Darepski. Một năm, dông chỉ xuất hiện một lần từ tháng 2 đến tháng 5.

Sống lâu ngày trong hang sâu dưới lòng đất, khi lên khỏi mặt đất, chúng ăn cỏ, côn trùng. Không biết có phải vì thế mà thịt dông rất ngon và đặc trưng.

Chặt đầu, lột da, đem dông vào cối xay hoặc băm nhuyễn với gia vị. Gia vị độc tôn khi làm chả ram là củ sả thái mỏng, băm nhỏ. Sau đó thịt dông được cuốn với bánh tráng (mỗi cuốn ước chừng bằng ngón tay trỏ). Khi dầu ăn sôi, cho vào từng  cuốn chả.

Chả dông ăn kèm với dưa chuột và cà chua sống, cùng với nước chấm là mắm ngon trộn với đậu phộng (lạc) nghiền nhỏ.
Ai qua cung đường này của khúc ruột miền Trung chắc đều có dịp thưởng thức đặc sản dông, từ chả ram dông, cháo dông, đến dông nướng bơ muối ớt.

Giá dông 70.000đồng/xâu dông cồ (đực) hoặc 80.000đồng/xâu dông cái, mỗi xâu 10-12 con. Để bắt dông, nhiều nơi đào tung rừng phi lao, nham nhở mặt cát trắng.

Dân thôn Thạnh Phú, thị trấn Phú Lâm, huyện Tuy Hòa (nay là  khu 3, phường Phú Thạnh, TP Tuy Hòa) lúc nông nhàn tranh thủ bẫy hoặc đào dông, để cải thiện hoặc bán cho quán nhậu. Sau hai giờ bẫy và đào, mỗi người bắt được khoảng 20 - 30 con. Bỏ công một ngày, có người bắt được cả trăm con.

Ông Nguyễn Văn Đoan- Phó Chủ tịch UBND phường Phú Thạnh, TP Tuy Hòa, cho biết: Diện tích rừng phi lao của địa phương hơn 75 ha hư hại không đáng kể sau cơn bão năm 1993. Nhưng từ khi dân đổ xô đào bẫy dông, rừng phi lao thưa dần. Rừng phòng hộ bị tàn phá đến mức, vẫn theo ông Đoan, địa phương phải trình đề án trồng mới rừng ngay trong mùa mưa năm 2008 này.

Rừng điêu tàn kéo theo dông ngày càng vắng bóng. Một số sát thủ dông bắt đầu nhận thấy tương lai ảm đạm. Họ nói sẽ bỏ nghề và rủ anh em hùn vốn xây bể nuôi thay vì chỉ khai thác tự nhiên. Lác đác xuất hiện mô hình nuôi ở Ninh Thuận hay Long Khánh.

Ông Nguyễn Tôn, một người chuyên bẫy dông ở thôn Uất Lâm (xã Hòa Hiệp Bác, huyện Đông Hòa, Phú Yên), ngậm ngùi thời hoàng kim: “Trước, một ngày bắt được 50-100 con, bán cho quán nhậu 150.000- 250.000 đồng là bình thường. Nay phải đi xa hơn, được mươi lăm con đủ nấu canh là cùng”.

Cần các nhà khoa học vào cuộc

Tài liệu hướng dẫn kỹ thuật nuôi dông từ bắc chí nam không có. Dân ở các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, mỗi người nghĩ mỗi cách nuôi và ai cũng bảo cách của mình tốt. Chẳng ai đến ba cùng với nông dân để thẩm định.

Ông Huỳnh Ngọc, một trong những người tiên phong nuôi dông, vẫn mua nguồn giống của những người bẫy và đào dông tự nhiên. Ông tìm hiểu thấy dông chỉ lên khỏi hang kiếm ăn từ 10 - 12 giờ. Ông đúc rút công thức đồ ăn cho dông gồm cỏ dại, rau muống, cà chua, dưa hồng.

Kinh nghiệm của ông được thực tiễn kiểm chứng bước đầu. Sau thời gian trưởng thành ba tháng tuổi, dông cái đẻ và ấp trứng 15 ngày thì nở. Mỗi lứa trứng nở 4 -8 con. Để giảm cái nắng như rang miền Trung, ông cho làm mưa nhân tạo trong chuồng và trồng cỏ.

Từ trên 300 con giống ban đầu, nay chuồng của ông có 1.000 con sắp xuất chuồng trái vụ cho thương lái ở Khánh Hòa. 1.000 con dông nặng tổng cộng 90 -100kg, có thể bán với giá 180.000đồng/kg, tương đương gần 20 triệu đồng. Trừ chi phí, có lãi hơn 10 triệu đồng.

Nhưng để giải bài toán lâu dài như vấn đề dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, suy thoái giống, v.v…, kinh nghiệm của lão nông tri điền không giúp được ông.

Ông Nguyễn Văn Luận, Chủ tịch Hội Nông dân phường Phú Thạnh, TP Tuy Hòa, cũng chỉ có thể kết luận vấn đề ở góc độ kinh tế trước mắt: “Nuôi dông như của ông Huỳnh Ngọc là phù hợp với các địa phương ven biển và có bãi cát hoặc động cát’.

Ông đề nghị: “Các nhà khoa học nên đi sâu nghiên cứu về loài bò sát này để giúp nhân dân biết cách cho dông đẻ nhân tạo một cách hiệu quả”.

Chủ Nhật, 2 tháng 10, 2011

Con dông đặc sản Khu Lê: Triển vọng và ước mơ



Xem hình
Nuôi dong ở Khu Lê Hồng Phong. (ảnh: N.Lân)
Chưa bao giờ vùng đất Bắc Bình nói chung, Khu Lê nói riêng lại rộ lên chuyện nuôi dông nhiều đến như vậy. Con dông gần đây đã trở thành món đặc sản khá đắt đỏ, mà du khách nào mỗi khi có điều kiện đi ngang vùng này đều muốn nếm thử hương vị của chúng.
Tại buổi hội thảo mô hình “Nuôi dông trên đất cát” ở Bắc Bình do Trung tâm SEDEC Bình Thuận vừa tổ chức, lãnh đạo Phòng Nông nghiệp huyện Bắc Bình đã nhận định về tình hình nuôi dông trên địa bàn huyện năm 2008. Theo đánh giá, những năm trước đây người dân bắt con dông vùng đất cát Khu Lê không chỉ để ăn mà còn để bán, nên con dông ngày càng có khả năng bị tuyệt chủng.
Từ đó, nhiều nông dân trong vùng đã chú ý đến việc thu gom và nhân giống, để tổ chức nuôi dông nhân tạo, nhằm tạo thêm nghề mới cho thu nhập ở vùng đất nổi tiếng nghèo khó này. Tính đến thời điểm này, diện tích nuôi dông trên toàn huyện đã phát triển gần 25ha, tăng thêm 11ha so với năm 2007, trong đó  nhiều nhất ở các xã Hồng Phong 5 ha, Hòa Thắng 5,5 ha, thị trấn Lương Sơn 5 ha, Sông Lũy 0,7 ha, Hồng Thái 2,5 ha và các xã khác chiếm diện tích gần 6 ha.
So các địa phương khác trong toàn huyện, vùng đất khu Lê là nơi rất phù hợp để nuôi và phát triển con dông. Dông ở vùng này luôn phát triển nhanh và thịt ngon hơn dông được sinh trưởng, phát triển ở các vùng khác. Nhắc đến Khu Lê người ta nghĩ ngay đến đặc sản con dông.
Tuy nhiên người nuôi dông ở đây vẫn còn nhỏ lẻ, mật độ nuôi thấp từ 1-4 con/m2 và chỉ tăng theo điều kiện mặt bằng của hộ gia đình. Bởi việc nuôi dông ở đây chủ yếu do kinh nghiệm được truyền từ người này sang người khác. Để giúp đồng bào Khu Lê tăng nhanh thu nhập từ con dông đặc sản này (còn gọi là rồng đất), đầu năm 2007 Trung tâm SEDEC Bình Thuận đã vào cuộc tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, và mở rộng nuôi dông ở các địa bàn phù hợp khác trên địa phận Bắc Bình. Từ đó người nuôi dông ở đây đã phát triển mạnh nuôi dông thương phẩm và dông giống ngày càng thuận lợi, mang lại hiệu quả cao hơn. Một số hộ nuôi dông ở Bắc Bình làm ăn khấm khá cho biết, do con dông tương đối dễ nuôi, ít dịch bệnh, giá thành lại cao (từ 280.000 – 300.000đ/kg), nên bà con rất phấn khởi. Tuy nhiên,  người nuôi dông cũng gặp không ít khó khăn như vốn đầu tư để xây dựng chuồng trại ban đầu khá cao, do đó nhiều hộ ở vùng này khi muốn phát triển nghề nuôi dông, lại không đủ kinh phí để thực hiện.
Bên cạnh đó, việc khan hiếm con giống và đầu ra không ổn định cũng là một trong những nguyên nhân, khiến người nuôi dông ở nhiều địa phương của huyện Bắc Bình phải lo lắng. Để nghề nuôi dông có thể phát huy được thế mạnh  và tiềm năng, những hộ nuôi dông ở Khu Lê đều mong muốn ngân hàng tạo điều kiện trong vay vốn hơn nữa, để nông dân đầu tư cho mô hình. Tổ chức tập huấn chuyên đề kỹ thuật nuôi dông, nhất là cách phòng tránh các loại dịch bệnh.
Ông Đinh Văn Ngự, Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện cho biết: Hiện nay các địa phương đã bắt đầu triển khai thành lập các câu lạc bộ nuôi dông, mục đích để nông dân có điều kiện hỗ trợ nhau về kỹ thuật, giá cả và tìm thị trường tiêu thụ. Muốn xã hội hóa nghề nuôi dông trong huyện, các tổ chức, cá nhân cần đầu tư, hợp tác một cách chuyên nghiệp hơn, với quy mô phù hợp, trong đó chú trọng xây dựng thương hiệu.

Kháng chiến nhờ...thịt Dông

  Rừng cát ở các chiến khu Thái An, Thanh Sơn, Cóc Chua, Ô Rô (Bình Thuận) con Dông nhiều vô thiên lủng. Từ những năm 1946-1950 Bình Thuận kháng chiến chống Pháp, còn rừng nguyên sinh, thịt Dông góp phần nuôi người kháng chiến.

Rừng mọc đủ loại cây, mùa mưa nước xối tới đâu cát hút sạch tới đó. Chỗ cát mua trôi lá rừng, cây con lúp xúp là giang sơn của Dông.
Dông thuộc loại bò sát trong khi kỳ đà, tắc kè, kỳ nhông, bề ngoài dị hợm, mắt lồi, vảy cứng, gai góc, sừng giữa đầu. Dông không như thế, da mượt láng, dễ thương, thấy động chỉ cắm cổ chui hang. Dông có ba lứa. Dông trống, dân địa phương gọi là dông thềm, to gấp đôi dông mái. có con nặng hằng hai ba ký lô.
Dông mái da nâu, mùa sinh nở nắng soi bụng thấy cả chùm trứng hồng trong bụng. Cát ẩm đầu mùa mưa, trứng nở con gọi là dông cắc ké. Dông loại nào đào hang loại đó. Hang dông thềm sâu trong cát trổ ngách phòng rắn chui hang. Dông cắc ké mới nở đã chạy có cờ, “dông” mất tiêu chui hang chớp mắt. Bắt dông có ba cách. Dông có tập tính chiều trời chưa lặn đã ngủ sớm, đùn cát lấp miệng hang sợ rắn chui vào ăn thịt.
Lựa hang dông to, dùng đầu gậy giả làm rắn chui hang để dông sợ phóng ra. Bắt cách này gọi là dò dông. Cách bắt phổ biến là dùng bẫy tre với chiếc cần buộc dây. Cần bật mạnh khi dông chui vào bẫy, hai thanh tre kẹp vào cổ dông. Đi thăm cả chục chiếc bẫy, thường mát tay đem về cả xâu, phần lớn là dông mái. Bắt dông ở cuối mùa đông để dành ăn Tết, thường đào dông. Đào dông chỉ bắt dông thềm cho đáng công. Có hang đào như đào giao thông hào. Người đào bất cẩn bị cát lún chôn sống không kịp trở tay.
Người dân làm rẫy ở miền rừng cát, các chiến khu rừng cát, không có vô thiên lủng thịt con dông cung cấp đạm bổ dưỡng, thì khó duy trì sức khỏe. Vài món dễ làm đã cho thấy khoái khẩu tuyệt vời là món dông nướng, đến dông tẩm bột mì, dông băm xúc bánh tráng nướng, dông quay, đều là món sơn hào. Do thịt dông ngon như vậy nên dân nhậu khắp nơi sùng bái!
Thời điểm này giá dông mắc hơn giá thịt gà. Dân tại chỗ săn lùng dông thiên nhiên tới mức “cạn tàu ráo máng” cộng thêm lâm tặc phá rừng nên dông ở trên bờ đã tuyệt chủng. Giá “dông hơi” ở Sài Gòn mắc mấy cũng có người mua, cung không đủ cầu. Nhiều bà con ở Bình Thuận nuôi được dông nhờ đó giàu lên trông thấy.
Dông dễ nuôi miễn sao môi trường giống như ở thiên nhiên. Thức ăn không khó, ngày trước muốn có dông để dành ăn Tết, từ cuối mùa dông lựa những con dông thềm, dông mái, bẻ xương sống lưng cho dông hết chạy, quăng dông vào thúng cám 5, 6 tháng trời dông vẫn sống khỏe. Trong mâm cỗ Tết nhà nào có thịt dông thì ai cũng vị nể.
Hồi kháng chiến ở chiến khu Ô Rô có cuộc thi tài bắt dông. Ông Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh đoạt giải nhất bẫy dông. Anh Ngôn ở nhà in Hồ Quang Cảnh đoạt giải nhất dò dông. Còn đào dông không thấy có giải vì thường xảy ra chết người.
Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch cuối năm 1946 đúng dịp Tết được Bác Hồ cử làm đặc phái viên vào Bình Thuận thăm chiến khu Ô Rô động viên kháng chiến chống Pháp. Liên hoan do tỉnh chiêu đãi anh món chủ lực dông băm đệm bánh tráng nướng đặc sản nổi tiếng của Chợ Lầu. Phái viên của Bác Hồ tấm tắc khen hoài: “Chà! Ăn thịt gà rừng ngon quá”. Tủm tỉm cười, ông chủ tịch tỉnh rỉ tai phái viên, ứng khẩu:
Gà rừng gáy ở rừng sâu
Thịt dông Bình Thuận tưởng đâu thịt gà
Dông ngon như thịt gà nhà
Bổ sung chất đạm, dông… quà trời cho
Anh Tư thưa với Bác Hồ
Góp phần kháng chiến, tỉnh nhờ thịt dông.