Con dông trên đất Hồng Phong
BT- So với cách đây vài ba năm thì bộ mặt của xã Hồng Phong hôm nay đã có nhiều thay đổi, những tiện nghi phục vụ cho cuộc sống đồng bào giờ đã tương đối. Cái nghèo không còn bám chân, nhiều người trong xã đang tính chuyện làm giàu trên mảnh đất vốn không được thiên nhiên ưu đãi. Phát triển nhất là công việc chăn nuôi, chuyện những gia đình sở hữu đàn dê hay bò từ 50 - 100 con là hình ảnh thường thấy trong xã. Bên cạnh đó là phong trào nuôi dông đang nở rộ…
Con dông xưa nay vốn là đặc sản quen thuộc của vùng đất gió cát Khu Lê này, thịt dông hiện đang là một món ăn ưa thích của những người sành ẩm thực trong nước với nhiều tên gọi rất kêu: rồng đất, thần sấm... Dông phù hợp với khí hậu thổ nhưỡng nơi đây nên dễ sinh sản. Ngày xưa, bẫy dông cũng là cái nghề quen thuộc với người dân nơi đây, nhưng nguồn dông tự nhiên rồi cũng cạn kiệt dần khi cung không đủ cầu, từ đó, ý tưởng nuôi dông đã nảy sinh. Lúc đầu, tuy chưa có ai hướng dẫn về kỹ thuật nuôi dông, nhưng đã có hàng chục hộ trong xã đã bỏ ra hàng trăm triệu đồng để đầu tư xây tường rào và mua giống về thả. Anh Nguyễn Văn Châu, năm nay mới 36 tuổi nhưng đã có gần 6 năm với nghề nuôi dông. Trong khu vực nuôi dông 2.000m2 được xây tường bao bọc. Châu đã thả 2.000 con giống. Giá mỗi con dông giống là 8.000đồng/con, giá thành của 2.000 con giống không phải là số tiền nhỏ, nhưng theo anh: Nuôi dông không lỗ, vì dông mau phát triển, lại ít dịch bệnh… Thức ăn của dông cũng đơn giản với các loại rau muống, rau lang, có khi thiếu rau, Châu đi hái các loại rau tự nhiên như rau muống biển, cỏ cúc… dông cũng không chê.
Ảnh minh họa |
Sáng sớm, trong khu vực nuôi dông của Châu, hàng trăm con dông đủ màu sắc từ dưới đất chui lên giành ăn trông thật vui mắt. Tuy là dông nuôi nhưng bản chất dông vốn nhút nhát, vừa thấy bóng người là lủi nhanh như điện xẹt. Tôi thấy trong đàn có nhiều con đã to khoảng 2,5 lạng. Châu bảo: Giá dông hiện tại không dưới 350.000 đồng/ký, nhưng anh chưa bán vì muốn phát triển giống để tăng số lượng. Con dông vốn không khó tính với môi trường sống, chỉ cần trồng thêm ít cây đào hoặc trứng cá trong khu vực nuôi để tạo bóng mát là dông đã có thể thích nghi được. Vì dông sống chui dưới hang nên không có người chủ nuôi nào biết đích xác số lượng đàn dông của mình đã phát triển được bao nhiêu con.
Ghé thăm khu vực nuôi dông của anh Nguyễn Văn Bảy, anh cho biết khu vực nuôi dông của anh mới đầu tư xây tường và mua giống khoảng 100 triệu đồng. Tuy diện tích nuôi còn nhỏ nhưng cách nuôi của anh có vẻ bài bản hơn. Trong khi những người nuôi dông trong xã chỉ cho dông ăn rau lang, rau muống, có khi cả rau dại, thì anh lại nuôi dông bằng các loại rau sang hơn như cà chua, giá, bí đỏ… ngày nào anh cũng chạy về Mũi Né để mua thức ăn cho dông. Không biết thịt con dông do anh Bảy nuôi có khác vị khi ăn những thức ăn này hay không nhưng chắc một điều là dông không thể bỏ đi nơi khác vì tìm đâu ra những thức ăn quen thuộc.
Hiệu quả kinh tế của nghề nuôi dông ở Hồng Phong đã rõ, nhưng câu nói của anh Mai Thanh Hải, Chủ tịch UBND xã làm tôi nghĩ mãi trên chặng đường về: Hồng Phong hiện có hơn 10 ha nuôi dông thịt, phát triển nghề nuôi dông để thoát nghèo là điều hay, nhưng cái hay hơn nữa là làm sao giữ con dông còn mãi ở vùng đất chiến khu này…