Trang trại Bảy Đức - Đ/c: Thôn Tiến Hiệp, xã Tiến Lợi, Phan Thiết, Bình Thuận




Cung cấp dông giống cho hộ gia đình muốn phát triển nghề nuôi dông và hướng dẫn phương pháp nuôi.

Cung cấp dông thịt cho nhà hàng, quán ăn có chất lượng, uy tín, giá phải chăng.

Liên hệ: Trang trại ông Bảy Đức. Địa chỉ: Thôn Tiến Hiệp - xã Tiến Lợi - Phan Thiết - Bình Thuận.

Điện thoại nhà: 062.3.729.964. Điện thoại di dộng: 0188.917.3137. Email: Thanhthuydpi@yahoo.com.vn. Nickchat yahoo: Thanhthuydpi

Con Dông là nguồn thực phẩm tự nhiên vô giá và là đặc sản đặc sắc của vùng ven biển Phan Thiết - Bình Thuận quê tôi. Mời các bạn ghé thăm trang Blog để biết thêm về loài Dông, các món ăn đặc sắc từ Dông và kỹ thuật nuôi dông.

Thứ Tư, 4 tháng 4, 2012

Kỹ thuật nuôi Dông

1. Giống và đặc điểm giống:Dông là tiếng địa phương gọi con kỳ nhông; có nơi như vùng Nghệ - Tĩnh gọi là nhông.Dông có nhiều giống, dông vùng đất cát gọi là dông cát benly.

Tên Latin: Leiolepis belliana.
Họ: dông Agamidae.
Bộ: Có vảy Squamata.
Nhóm: Bò sát.
Kỳ nhông hay còn gọi là dông sống trên đất cát ven biển, phù hợp với các vùng đất ven biển miền Trung nước ta.
Vóc dáng:
Dông gần giống con tắc kè, da hồng đỏ, trên lưng có lớp gai chạy dọc theo xương sống  và dọc theo hông có các vệt lớn màu đen, cam.
2. Tập tính sinh hoạt và môi trường sống:
Dông là một loại bò sát sống thích nghi vùng đất cát tự nhiên ven biển của các tỉnh dọc Duyên hải miền Trung. Nói rõ ra ở các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận,các tỉnh nằm dọc Duyên hải miền Trung và một số thuộc miền Đông Nam Bộ như Bà Rịa Vũng Tàu,... nơi có nhiều cánh đồng cát trắng mênh mông mới có dông tập trung sinh sống.  Loài bò sát này thường ra khỏi hang để sưởi ấm vào buổi sáng để điều hoà nhiệt độ cơ thể (chúng thuộc loài máu lạnh), tìm thức ăn và gây ấn tượng đối với các con cái xung quanh cả ngày, rồi rút vô hang vào xế chiều, đóng cửa hang lại bằng cát.
a. Trong môi trường tự  nhiên:
Trong môi trường tự nhiên, dông cát thường sống ở các đồi cát ven biển hoặc các gò đồi, nương rẫy ở khu vực đồng bằng.
Chúng thường tập trung ở các bãi hoang, các cây bụi, các khu vực trồng phi lao, trồng keo, các ruộng hoa màu, các nghĩa địa và bãi đất hoang.
b. Điều kiện trong hang:
Dông tự đào hang. Hang của chúng ngoằn nghoèo và có cái sâu tới 1m. Cũng có hang chúng mở thêm ngách phụ để thoát hiểm. Có hang dài tới 2m. Vì hang ở sâu trong lòng đất nên nhiệt độ trong hang thường chênh lệch nhiều so với bên ngoài. Đây cũng là nơi điều hòa nhiệt độ (mùa hè thì mát, mùa đông thì ấm). Nhiệt độ trong hang rõ ràng ổn định hơn nhiệt độ bên ngoài.Theo Ngô Đắc Chứng, dông sọc thường có hang nông hơn dông hoa. Chúng chỉ đào sâu 40-50 cm.
Một yêu cầu bắt buộc mà dông cát cần đó là độ ẩm. Trong điều kiện khô hạn của những vùng gần như sa mạc đó. Dông phải đào hang sâu xuống dưới lòng cát để tận hưởng độ ẩm trong lòng đất. Độ ẩm rất quan trọng đối với dông. Dông thường lui tới các gốc cây, các bụi cây để đào hang. Nhờ lá cây che chắn mà độ ẩm ở đó khá hơn những chỗ trơ trụi. Tuy nhiên dông không sống được ở những nơi sũng nước hoặc nước thoát chậm. Vì vậy khi bố trí nơi nuôi dông phải hết sức lưu ý tới điều này. Đặc biệt đáy của nơi nuôi dông không nên lát kín vài sẽ cản trở việc rút nước khi mưa.
3. Quy luật hoạt động của dông cát.
a) Hoạt động theo mùa:
* Mùa hoạt động:
Dông thường hoạt động vào mùa nắng ấm, từ tháng 4 đến tháng 10. lúc đó điều kiện nhiệt độ không khí thường 27-380C, nhiệt độ mặt đất 27-39 độ C và độ ẩm 30-80%. Dông ngừng hoạt động hoàn toàn vào những ngày mưa. Thậm chí khi có giông hay trời âm u là chúng tìm đường trú ẩn. Không bao giờ thấy dông hoạt động vào lúc trời mưa hay mưa vừa tạnh.
Dông không chịu được nhiệt độ lạnh. Khi nhiệt độ ngoài trời xuống 24-25 độ C và độ ẩm lên trên 90% là chúng đã tìm đường đi trú
* Trú đông:
Mùa trú đông của dông cát thường là tháng 11 đến tháng 3 năm sau. Vào thời kỳ này, nhiệt độ ngoài trời xuống dưới 250C và độ ẩm có lúc cao tới 85-900C. Dông lấp của hang và nằm lì trong hang. Tới mùa xuân khi nắng ấm về nhiệt độ lên cao dần, dông mới chui ra khỏi hang để kiếm ăn.
b) Hoạt động ngày, đêm:
Dông hoạt động vào ban ngày, buổi sáng chúng ra khỏi hang lúc 8-9 giờ, tới 13 giờ, 13 giờ 30 trưa thì chúng lại vào hang. Dông rất cảnh giác, nó không bao giờ nhảy ngay lên mặt đất. Nó thường thò đầu ra khỏi hang nghe ngóng rất kỹ, có khi tới 5, 10 phút sau đó mới chui ra. Lúc này nó phơi nắng, đó là  đặc điểm của loài bò sát. Chúng phải tăng cường tích nhiệt dưới ánh sáng mặt trời. Một lúc sau nó mới đi kiếm ăn.
Thời gian hoạt động của dông không nhiều, trung bình một ngày chúng chỉ chui ra khỏi hang 4-5 giờ đồng hồ để đi kiếm ăn. Thời gian còn lại chúng ằm yên trong hang để tiết kiệm năng lượng.
. Làm chuồng, hố nuôi.
Kỹ thuật xây chuồng trại cho dông rất đơn giản, nhiều người còn ví chuồng nuôi dông như là một động cát tự nhiên thu nhỏ
Trong tự nhiên dông cát tự đào hang và sống đơn độc, kín đáo ở những nơi yên tĩnh. Chúng ta có thể tận dụng và tổ chức ngay chỗ nuôi tại các khu vực đó hoặc các sinh cảnh tương tự. điều quan trọng là phải cố định chúng trong một không gian nhất định. Vì vậy khu vực tổ chức nuôi dông phải được xây tường kín xung quanh. Dông là loài đào hang rất khỏe, vì vậy độ sâu của móng tường là vấn đề quan trọng. để tránh dông thoát ra ngoài chúng ta làm móng tường sâu  1,2m- 1,5m. Nếu móng xây được thì tốt nhưng tốn kém. Có thể sử dụng các tầm tôn phibrô xi măng và cắm sâu xuống cát 1m. Vit chặt các tấm đó lại với nhau để nối vòng quanh khu nuôi. Như vậy dông không đào hang để ra ngoài được. Bờ tường cũng phải cao để tránh dông trèo ra, do đó bờ tường cũng xây cao 1,2 m trở lên. Một số nơi bà con chỉ xây cao 40 – 50 cm, phần còn lại là một tấm tôn cao 1m chạy vòng quanh. Vì tôn nhẵn nên dông không thể trèo hay bò ra ngoài được.
Ta cũng có thể bố trí nuôi dông trên bãi cát hoang, các khu đất trồng cây bụi. cũng có thể kết hợp nuôi dông trong các vườn cây. Tất nhiên khu nuôi phải được xây tường bao quanh.
Dông rất thích có bóng mát. Trong khu nuôi nên có nhiều cây. Chúng ta nên bố trí trồng cây trong khu vực nuôi dông. Qua thực tế cây trứng cá là cây nên trồng nhất. cây trứng các mọc rất nhanh, chịu được nóng, được hạn, tán rộng, cây cao vừa phải và quả của chúng lại là món khoái khẩu của dông. Ta không nên trồng quá dày. Tán cây chỉ nên che 1/2 – 1/3 diên tích khu nuôi. Diện tích còn lại để cho dông sưởi nắng.
Cũng có khu vực rất khó trồng cây do đất nghèo kiệt hoặc quá khô hạn, cây trồng không lên được hoặc lên rất chậm. trong tường hợp này ta nên căng một số bạt để che nắng. cũng có thể làm giàn để phủ lá hoặc lót cot lên trên. Cũng có thể xếp các cành cây khô thành đống để dông đào hang xuống chỗ đó. Đám cành lá này cũng là chỗ để dông con chạy trốn khi bị dông lớn đuổi. Như vậy dông vẫn có khu vực bóng mát nhân tạo.
Nếu nuôi trong khu nào có trồng khoai lang hoặc rau muống thì càng tốt, chúnh vừa làm thức ăn vừa làm bóng mát môi trường cho dông.
Trong khu nuôi cần bố trí nhiều chỗ cho dông ăn. Dông tham ăn và thường tranh giành lẫn nhau. Dông lớn thường bắt nạt dông bé. Nếu ta bố trí nhiều chỗ đổ thức ăn thì dông bé cũng có thể ăn được. chỗ để thức ăn có thể là một miếng gỗ, một tấm nilon, một mãng phibro xi măng vỡ hoặc mấy viên gạch gắn lại cho vuông và bằng phẳng,… Tùy từng điều kiện mà chúng ta có cách bố trí cho dông ăn cho hợp lý.
Dông không đòi hỏi nhiều nước vì ngay trong thức ăn đã có đủ nước rồi. Tuy nhiên ta vẫn nên bố trí dụng cụ đựng nước để cho dông uống. Ta cũng có thể dùng các loại chai nhựa có khoan một lỗ thủng ở cổ chai, cho nước vào đầy chai và lộn ngược lại để trong một chén miệng hẹp để hạn chế việc bốc hơi nước.
Vào mùa nắng, nên xịt nước vào chuồng vào mỗi buổi sáng để tạo độ ẩm và nhằm tạo thói quen cho dông lên ăn khi trời mưa. Thông thường, dông chỉ lên kiếm ăn vào khoảng 8-10 giờ sáng trong ngày.
5.  Thức ăn:
Nguồn thức ăn chủ yếu là thức ăn thực vật: các loại rau, quả như rau muống, rau lang, cà chua, dưa hồng, lá, hoa, nụ, quả. .. Đặc biệt, chồi non xương rồng và cỏ dại được xem là món "khoái khẩu" nhất của dông:,  . . . dông  còn ăn côn trùng (bướm, sâu non, giun đất...), trứng của loài bọ cánh cứng. Ngoài ra, còn cho dông ăn cám gạo, cám hỗn hợp và các loại đậu… cho ăn đầy đủ các loại thức ăn để cung cấp dinh dưỡng cho dông.
Rõ ràng nguồn thức ăn để nuôi dông dễ kiếm hơn rất nhiều so với các loài vật nuôi khác. Tuy nhiên để nuôi đạt năng suất cao ta cần tăng cường các loại thức ăn giàu chất dinh dưỡng cho chúng. Nhiều gia đình thường thái cây chuối trộn với cám gạo cho dông ăn. ở những vùng có sẵn bí đỏ người ta băn bí đỏ ra cho chúng ăn. Nếu có lạc lép, hoặc đậu thứ phẩm, ta ngâm nước cho trương nở và giả nhỏ ra. Dông ăn loại này rất mau lớn. Tất cả nguồn thức ăn động vật đều hấp dẫn đối với dông. Cần băm nhỏ thức ăn ra để tiện cho dông ăn. Dông cũng thích ăn giun đất (trùn đất). Chúng ta nên tổ chức nuôi trùn quế để cung cấp thức ăn cho dông. Ngoài ra cơm nguội và các thức ăn thừa của con người đều có thể cho dông ăn. Đặc biệt dông rất thích ăn các loại thức ăn có màu sắc, vị ngọt như cà chua, đu đủ, dưa hấu, xoài. Cà rốt, bí đỏ,... và các loại hoa như hoa phượng, hoa dâm bụt, hoa giấy,...
Thức ăn dông rất phong phú. Tuy nhiên để cung cấp với số lượng lớn và đều đặn hàng ngày, chúng ta nên có kế hoạch gieo trồng, nuôi cấy và tích lũy thức ăn khi tổ chức nuôi dông. Trước màu đông dong thường thu thức ăn về để ở dưới hang. Nó sẽ ăn dần trong mùa đông. Khi ăn hết thức ăn nó sẽ gặm cả đuôi của nó. Nhiều con cụt hết đuôi. Đến muà ấm nó ngoi lên và đi kiếm thức ăn. Cái đuôi cụt mọc dài dần ra như cũ.
6. Chăm sóc:
Nuôi dông không tốn nhiều công chăm sóc. Điều cần thiết chính là khâu bảo vệ. phải ngăn chặ mọi ngã mà dông có thể tẩu thoát. Phải xây kín hoặc giăng lưới cẩn thận để tránh chúng lẻn đi. Khoảng cách giữa cây trong khu nuôi và bờ tường đạt ít nhất là 3m. Dông có thể leo lên cây và nhãy qua tường để ra ngoài.
Quá trình chọn lọc tự nhiên trên vùng khí hậu khốc liệt đã tạo ra con dông có tính thích ứng cao. Chúng rất ít bị bệnh tật đe dọa.
Tuy nhiên do nuôi nhiều và tập trung nên chúng ta cần phải luôn chú ý đến những biểu hiện bệnh lý của con dông.
Hiện nay hiện tượng dông lớn cắn dông bé là vấn đề hằng ngày. Ta phải tìm mọi cách để phòng tránh.
Dông là loài sống ở các vùng đất khô hạn nhưng khả năng chịu nắng của dông cũng có hạn. Nếu ta để dông mắc lưới (khi thu hoạch) mà không kịp gỡ chân cho chúng thì chỉ cần 2 giờ sau chúng có thể chết. Đây là điều hết sức lưu ý đặc biệt là các khu nuôi rộng.
Việc trồng cây và tạo độ ẩm thích hợp cho khu vực tổ chức nuôi là việc cần quan tâm thường xuyên. Cố gắng đừng để tình trạng khu nuôi rơi vào tình trạng quá khô hạn, quá nắng nóng. Ngay từ khâu lựa chọn chỗ nuôi ta cần phải tính toán vấn đề này.
Kẻ thù của dông không phải là ít. Ngoài chim diều hâu còn có chó, mèo, chuột. Để chống mèo chuột người ta thường giăng lưới nilon (loại lưới dùng để bắt cá) dọc theo bờ tường và căng về phía trong khoảng 2m. mèo và chuột rất sợ rơi vào loại lưới này vì chúng không đi được. Phải thường xuyên theo dõi xử lý các trường hợp xãy ra.
Giữ cho môi trường nuôi dông được yên tĩnh và bình an là cả một vấn đề quyết định, vì vậy không thể lơ là.
7. Sinh trưởng và hiện tượng lột xác của dông cát:
- Sinh trưởng : Dông sinh trưởng nhanh, mau lớn và rất ít bị dịch bệnh nên không cần chăm sóc nhiều (chỉ đề phòng mèo, chuột cống và rắn). Hiện nay một số người nuôi dông có phát hiện dông thường bị bệnh sổ mủi vào mùa lạnh nhưng tự khỏi. Tỷ lệ sống của dông khá cao, đạt từ 90-95%..
- Lột xác: Lột xác là một hoạt động sinh lý bình thường và cần thiết cho quá trình phát triển của cơ thể dông. Thậm chí lột xác còn là một chỉ tiêu quan trọng biểu thị trạng thái sức khỏe của dông. Dông muốn lớn phải lột xác. Chúng lột xác nhiều lần trong năm. Đặc biệt vào mùa hoạt động dông lột xác liên tục. Lúc đó chúng ăn khỏe và lớn nhanh. Trong điều kiện tự nhiên, các nhà khoa học đã xác định được tần suất lột xác ở dông cát trung bình là:
Con cái: 7.83 lần/mùa hoạt động
Con đực:8.15 lần/mùa hoạt động
Quá trình lột xác diễn ra trong 3 giai đoạn. Mỗi giai đoạn có những biểu hiện khác nhau.
a) Thời kỳ chuẩn bị lột xác (3-6 ngày):
lúc này da chúng ở 2 bên sườn, ở các chấm ô van trên lưng và ở cổ có màu vàng cam. Mặt trên của các chi cũng sẽ chuyển sang màu vàng đậm. Phần da màu trắng xám dưới bụng, dưới chi và đuôi sẽ chuyển màu xám tối.
Dông uể oải, ít ăn, ít hoạt động (mỗi ngày nó chỉ ra ngoài 1-2 giờ). Nó nằm lì trong hang. Cũng lúc này dông có mùi hôi đặc biệt. Mùi đó giống mùi động vật bắt đầu thối rửa.
b). Thời kỳ lột xác chính thức: (7- 10 ngày).
Lúc này dông sẽ bỏ lớp vỏ da cũ để thay bằng một lớp mới. Dông sẽ chui ra khỏi hang tìm nơi thuận lợi để lột xác. Nó tìm thấy gốc cây, mõm đá, bờ tường, nền đất cứng,... chà mạnh đầu, cổ. Lưng và vùng bụng vào đó để da bong ra từng mãng tại chỗ nó cà. Sau đó phần da ở nách, ở các ngón chân cũng dần dần bong ra. Thứ tự sẽ lột là:
- Lột xác phần đầu
- Lột xác phần thân
- Lột xác nốt phần thân và phần đuôi.
c). Thời kỳ sau khi lột xác: (20-31 ngày)
Thời gian này được tính từ lúc hoàn thành lần lột xác trước đến lần lột xác tiếp theo. Sau khi lột da xong, da của nó bóng đen, các hoa văn ở cổ, đầu , lưng và hai bên sườn đều có màu vàng cam. Điều này quan sát thấy rõ ở con đực. Phần da dưới bụng của chúng sẽ chuyển sang màu sáng trắng. Dông đi kiếm ăn ngay, nó ăn khỏe và hoạt động rất sôi nổi.
Tóm lại ta có thể thấy toàn bộ chu kỳ lột xác của dông cát kéo dài từ 30-45 ngày. Nó thường lột xác vào khoảng tháng 4 đến tháng 11. lúc đó nhiệt độ thường là 28-330C và độ ẩm không khí từ 80-85%. Dông sẽ lột xác 7-8 lần/năm. Vào thời điểm ngủ đông dông cát không lột xác.
8. Sinh sản:
Theo các nhà khoa học hầu hết các loài dông cái đều đẻ trứng, trứng nở ra dông con. Riêng loài dông được phát hiện ở khu vực Thừa Thiên Huế (loài Leiolepisguentherpetersi) có thể là loài sinh trinh (parthonogenecis) (tất cả đều là cá thể cái và tự phân li trứng khi đẻ).
Dông sau khi nuôi 8 – 10 tháng thì đến tuổi động dục có thể sinh sản.
Dông thường cặp đôi vào mùa hè (từ tháng 4 đến tháng 6) và đẻ trứng vào tháng 6 đến tháng 8.
Thời gian mang thai 10 ngày. Dông đẻ nhiều lứa một năm, mỗi lần đẻ từ 6-8 trứng. Trứng dông có hình thuôn dài (dài từ 2,2cm -2,4cm, rộng 1,1cm -1,3 cm, nặng khoảng 3 g),  45 ngày sau trứng nở ra dông con, Dông con mới nở thân hình màu trắng dợt, sống quanh quẩn dưới hang trong một vài ngày đầu. Khi bộ chân đã cứng cáp, chúng theo dông mẹ chui ra khỏi hang và tập nhấm nháp thức ăn. Độ 1 tháng tuổi dông đã bằng ngón tay cái, đến hai tháng tuổi dông đã bằng ngón chân cái và có thể xuất chuồng bán giống. Dông lớn nhanh vào các tháng từ tháng 6 đến tháng 8. Đây là thời kỳ thuận lợi nhất cho hoạt động của dông cát. Tới khi trưởng thành tốc độ lớn của nó chậm hơn còn non..  Đến năm kế tiếp, đàn dông con trưởng thành và lại tiếp tục sinh sản
9. Thu hoạch
Sau khi nuôi 8-10 tháng là thời điểm thu hoạch dông.
Ta cũng có thể bắt dông bằng lưới. Dùng lưới có mắt nhỏ và rải đều xuống mặt đất, sau đó ta rải thức ăn xung quanh, dông kéo ra ăn. Lúc đã thấy chúng ra hết ta gây tiếng động mạnh. Dông cuống quýt bỏ chạy. Vì vội vã, chúng sẽ mắc chân vào lưới. Ta gỡ và thu những con dông lớn. Các con nhỏ cũng gỡ ngay và thả chúng lại trong hang. Tránh để sót con bị mắc lưới. Vì nếunhư vậy chỉ 2-3 giờ sau chúng chết vì say nắng, nóng. Cần hết sức lưu ý điều này. Tốt nhất ta nên dùng nhiều bẫy để bắt dông. Đó là cách bắt dông tốt nhất và an toàn nhất.
Việc vận chuyển dông đi xa cần phải đựng trong các lồng thoáng, không nên để chúng trong các túi vải kín, dông sẽ  chết.
ThS. Hồ Trung Phước (Sở Khoa học và Công nghệ Bình Thuận)

Thứ Tư, 7 tháng 12, 2011

Con dông trên đất Hồng Phong
BT- So với cách đây vài ba năm thì bộ mặt của xã Hồng Phong hôm nay đã có nhiều thay đổi, những tiện nghi phục vụ cho cuộc sống đồng bào giờ đã tương đối. Cái nghèo không còn bám chân, nhiều người trong xã đang tính chuyện làm giàu trên mảnh đất vốn không được thiên nhiên ưu đãi. Phát triển nhất là công việc chăn nuôi, chuyện những gia đình sở hữu đàn dê hay bò từ 50 - 100 con là hình ảnh thường thấy trong xã. Bên cạnh đó là phong trào nuôi dông đang nở rộ…
Con dông xưa nay vốn là đặc sản quen thuộc của vùng đất gió cát Khu Lê này, thịt dông hiện đang là một món ăn ưa thích của những người sành ẩm thực trong nước với nhiều tên gọi rất kêu: rồng đất, thần sấm... Dông phù hợp với khí hậu thổ nhưỡng nơi đây nên dễ sinh sản. Ngày xưa, bẫy dông cũng là cái nghề quen thuộc với người dân nơi đây, nhưng nguồn dông tự nhiên rồi cũng cạn kiệt dần khi cung không đủ cầu, từ đó, ý tưởng nuôi dông đã nảy sinh. Lúc đầu, tuy chưa có ai hướng dẫn về kỹ thuật nuôi dông, nhưng đã có hàng chục hộ trong xã đã bỏ ra hàng trăm triệu đồng để đầu tư xây tường rào và mua giống về thả. Anh Nguyễn Văn Châu, năm nay mới 36 tuổi nhưng đã có gần 6 năm với nghề nuôi dông. Trong khu vực nuôi dông 2.000m2 được xây tường bao bọc. Châu đã thả 2.000 con giống. Giá mỗi con dông giống là 8.000đồng/con, giá thành của 2.000 con giống không phải là số tiền nhỏ, nhưng theo anh: Nuôi dông không lỗ, vì dông mau phát triển, lại ít dịch bệnh… Thức ăn của dông cũng đơn giản với các loại rau muống, rau lang, có khi thiếu rau, Châu đi hái các loại rau tự nhiên như rau muống biển, cỏ cúc… dông cũng không chê.
Ảnh minh họa
Sáng sớm, trong khu vực nuôi dông của Châu, hàng trăm con dông đủ màu sắc từ dưới đất chui lên giành ăn trông thật vui mắt. Tuy là dông nuôi nhưng bản chất dông vốn nhút nhát, vừa thấy bóng người là lủi nhanh như điện xẹt. Tôi thấy trong đàn có nhiều con đã to khoảng 2,5 lạng. Châu bảo: Giá dông hiện tại không dưới 350.000 đồng/ký, nhưng anh chưa bán vì muốn phát triển giống để tăng số lượng. Con dông vốn không khó tính với môi trường sống, chỉ cần trồng thêm ít cây đào hoặc trứng cá trong khu vực nuôi để tạo bóng mát là dông đã có thể thích nghi được. Vì dông sống chui dưới hang nên không có người chủ nuôi nào biết đích xác số lượng đàn dông của mình đã phát triển được bao nhiêu con.
Ghé thăm khu vực nuôi dông của anh Nguyễn Văn Bảy, anh cho biết khu vực nuôi dông của anh mới đầu tư xây tường và mua giống khoảng 100 triệu đồng. Tuy diện tích nuôi còn nhỏ nhưng cách nuôi của anh có vẻ bài bản hơn. Trong khi những người nuôi dông trong xã chỉ cho dông ăn rau lang, rau muống, có khi cả rau dại, thì anh lại nuôi dông bằng các loại rau sang hơn như cà chua, giá, bí đỏ… ngày nào anh cũng chạy về Mũi Né để mua thức ăn cho dông. Không biết thịt con dông do anh Bảy nuôi có khác vị khi ăn những thức ăn này hay không nhưng chắc một điều là dông không thể bỏ đi nơi khác vì tìm đâu ra những thức ăn quen thuộc.
Hiệu quả kinh tế của nghề nuôi dông ở Hồng Phong đã rõ, nhưng câu nói của anh Mai Thanh Hải, Chủ tịch UBND xã làm tôi nghĩ mãi trên chặng đường về: Hồng Phong hiện có hơn 10 ha nuôi dông thịt, phát triển nghề nuôi dông để thoát nghèo là điều hay, nhưng cái hay hơn nữa là làm sao giữ con dông còn mãi ở vùng đất chiến khu này…

Chủ Nhật, 4 tháng 12, 2011

Bình Thuận: Triển vọng từ nuôi dông



Dông là đối tượng nuôi được nhiều nông dân Thuận Quý lựa chọn nhờ hiệu quả kinh tế cao.
KTNT - Dông là loài bò sát thích nghi với môi trường tự nhiên vùng ven biển, trên các cồn cát, dễ nuôi và được thị trường ưa chuộng.
Hiện nay, nhiều hộ dân ở xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam (Bình Thuận) đang chọn đối tượng này để nuôi, từ đó thoát nghèo, làm giàu.
Những năm trước, đào, bẫy dông trở thành nghề có thu nhập cao ở các xã ven biển Bình Thuận. Người dân rủ nhau đi "săn" dông từ nhỏ đến lớn để bán cho các nhà hàng, khách sạn, dẫn đến nguy cơ "xoá sổ" đàn dông. Tuy nhiên, khoảng 2 năm trở lại đây, phong trào nuôi thuần dưỡng dông tự nhiên khá phát triển. Nhiều hộ đã làm giàu từ mô hình này.
Anh Nguyễn Văn Quanh ở thôn Thuận Cường, xã Thuận Quý tâm sự: “Thấy nhiều người nuôi dông đem lại hiệu quả kinh tế cao nên tôi đã mạnh dạn đầu tư chuồng trại, nuôi trên diện tích 1.000m2, ban đầu thả 3kg dông giống (khoảng 10 con/kg), với giá gần 500.000 đồng/kg. Đến nay, đàn dông phát triển lên tới hơn 1.000 con, mỗi tháng xuất bán 20kg với giá bình quân 400.000 đồng/kg, gia đình tôi thu về gần 8 triệu đồng”. Anh Quanh cho biết thêm, dông là loài động vật hoang dã nhưng dễ thuần dưỡng, ít bị dịch bệnh, thức ăn lại dễ kiếm nên ai cũng có thể nuôi được.
Khi nuôi dông, người dân xã Thuận Quý thường đào sâu xuống đất khoảng 0,5m, dùng gạch xây cao từ 1,2-1,5m, dưới đáy tráng một lớp xi-măng dày khoảng 2-3cm để dông không thể đào hang chui đi và phải đảm bảo không bị đọng nước vào mùa mưa. Tiếp đó, đổ thêm một lớp cát dày khoảng 0, 5m. Trên bề mặt có thể đắp thành gứ, trồng cỏ và cây trứng cá tạo bóng mát và tạo thức ăn cho dông (khi trái trứng cá chín rụng). Vào mùa nắng, nên xịt nước vào chuồng mỗi sáng để tạo độ ẩm và tạo thói quen cho dông lên ăn khi trời mưa. Chúng thường ăn các loại rau, quả như rau muống, khoai lang, cà chua, dưa hồng..., đặc biệt, chồi non xương rồng và cỏ dại được xem là món "khoái khẩu" nhất của dông.
Anh Nguyễn Thành Đệ, người có thâm niên trong nghề nuôi dông cho biết, mô hình nuôi dông rất phù hợp với những vùng có nhiều cồn cát như Thuận Quý. Dông sinh sản nhanh, mau lớn và ít bị bệnh nên không cần chăm sóc nhiều (chỉ đề phòng mèo, chuột cống và rắn). Tỷ lệ sống của dông khá cao, đạt 90-95%. Trung bình mỗi năm dông đẻ 2 lần, mỗi lần 6-8 trứng, khoảng 1 tháng sau trứng nở ra dông con. Đến năm kế tiếp, đàn dông con trưởng thành và lại tiếp tục sinh sản. Từ số dông giống ban đầu vẻn vẹn vài chục con, sau gần 10 năm, số lượng của anh Đệ đã lên tới trên 10.000 con. “Hầu như ngày nào các nhà hàng cũng đặt mua dông của tôi, trừ chi phí, gia đình lãi trên 300 triệu đồng/năm”, anh Đệ phấn khởi nói.
Trao đổi với chúng tôi, anh Lương Thanh Dũng, Phó chủ tịch UBND xã Thuận Quý cho biết, toàn xã hiện có khoảng 100 hộ đầu tư nuôi dông, với số lượng lên đến khoảng 1 triệu con. Việc nuôi dông không những mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn có tác dụng hồi phục và bảo vệ nguồn sinh vật tự nhiên. Vì thế chính quyền xã Thuận Quý đang khuyến khích bà con phát triển mô hình này.

Thứ Sáu, 2 tháng 12, 2011

Món Gỏi Dông

Làm gỏi dông rất công phu, phải có "bí quyết" nhà nghề mới chế biến được. Làm sạch ruột, lột da, đưa vào lò nướng, khi thịt dông vàng mới lấy ra. Sau đó băm nhuyễn, xào chín và trộn với trái cóc hoặc xoài cắt chỉ nhỏ, rau thơm, đậu phộng rang giòn và đặc biệt phải có "lá xoài dông", một thứ lá cây mọc trên các vách đá vùng khô hạn, có vị chát. Gỏi dông ăn chung với bánh tráng dày, nhiều mè, xúc mãi không chán.
Đặc biệt, vào khoảng tháng ba, tháng tư âm lịch, ở Bình Thuận có món canh chua lá me non dùng để trộn gỏi  hoặc nấu với nhông rất đặc trưng vì một năm chỉ vài tuần có lá me non để nấu món này. Trứng nhông chiên bơ cũng là món ăn cao cấp đắt tiền, mật nhông dùng làm thức ăn dân gian đặc trị bệnh suyễn. Với dân sành ăn, thịt nhông rưới thêm bơ hoặc mỡ, đem chiên hoặc nướng rồi thưởng thức với rau thơm kèm một vài ly rượu cay cay, âm ấm là đủ ngon lắm rồi.

Dông là loại bò sát sinh sống trong hang trên những vùng đồi cát nóng. Thức ăn chính của con dông chủ yếu là chồi non từ cây xương rồng, cỏ dại. Người dân địa phương đặt bẫy hoặc đào bắt chúng ở trong hang dưới lòng đất sâu chừng 1,5m. Thịt dông thơm, trắng như thịt gà, rất ngon và ngọt, béo ngậy, có vị bùi, chắc, xương rất mềm nhưng da thì dòn sừn sựt.
                                                                                                      

Thứ Năm, 1 tháng 12, 2011

Nuôi Dông làm giàu

Bền bỉ học hỏi, ông Mai Văn Tòng thành công với nghề nuôi dông và giúp nhiều người tự tạo việc làm

Loay hoay cho những chú dông giống vào chiếc bao cước, anh Lưu Võ Hoàng Vân (ngụ huyện Cần Giuộc - Long An), cho biết: “Thấy chú Tư làm ăn được nên tôi học làm theo. Nhờ kinh nghiệm truyền đạt của chú mà tôi đã xây dựng chuồng trại, bước đầu thử nghiệm nuôi loài dông này. Tôi nghĩ vùng đất Long An sẽ phù hợp để đàn dông sinh trưởng tốt”.  
Bỏ chồn tìm dông
Chú Tư mà anh Lưu Võ Hoàng Vân nhắc đến là ông Mai Văn Tòng, cán bộ hưu trí ở ấp 2, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn - TPHCM. Người dân ở đây thường gọi ông là chú Tư nuôi dông, bởi ông là người duy nhất ở ngoại thành nuôi loài vật này thành công.
Đưa tôi ra vườn, nơi những chuồng nuôi dông được bao phủ bởi 4 bức tường cao, bên dưới phủ cát dày, ông dặn: “Phải đi thật khẽ, nếu không dông trốn hết vào hang”. Đúng như lời ông, khi tôi vừa ló đầu qua khỏi bức tường rào, định đưa máy ảnh lên chụp thì hàng ngàn con dông lớn, nhỏ bỏ chạy, chui tọt vào hang. 
Ông Mai Văn Tòng với đàn dông giống chuẩn bị bán cho khách
Trước khi đến với nghề nuôi dông, ông Mai Văn Tòng từng nuôi nhiều loài động vật hoang dã như chồn hương, heo rừng... nhưng không thành công bởi chúng rất khó nuôi lại chăm sóc cực. Năm 2009, trong một chuyến về thăm người bạn cũ ở xã Hòa Thắng, huyện Hàm Thuận Nam - Bình Thuận, ông được bạn giới thiệu mô hình nuôi dông trên cát.
Khi tham khảo mô hình của bạn, ông chợt nghĩ: “Tại sao không biến mảnh đất bấy lâu nay nuôi chồn, heo vốn không có hiệu quả kinh tế thành nơi nuôi dông vì loài vật này không bị bệnh mà cũng không tốn quá nhiều chi phí?”. Trở về, ông bắt tay cải tạo 1.600 m2 đất vườn, xây tường, đổ cát và trồng cây trứng cá để nuôi dông. Ông lý giải việc trồng cây trứng cá: “Dông rất thích ăn những trái ngọt và mềm, nhất là trái trứng cá. Nhờ trái trứng cá mà lượng thức ăn phải mua đã giảm rất nhiều, tiết kiệm được chi phí”.
Dễ nuôi, dễ bán
Tháng 5-2009, ông ra Cam Ranh mua 200 kg dông giống về nuôi thử nghiệm. Ông thường tìm đến các chợ đầu mối để mua dưa hấu, lá rau muống, cải, giá về làm thức ăn cho dông. Không ngờ, chỉ một năm sau, những chú dông giống ngày nào đã đạt trọng lượng 4-6 con/kg. Khi đàn dông trưởng thành cũng là lúc ông đối diện với thực tế: Tìm đầu ra cho sản phẩm.
Ông lần lượt liên hệ các nhà hàng để giới thiệu sản phẩm và không ngờ, một số chủ nhà hàng ở Bến Lức - Long An liền đặt mua dông thịt với giá 350.000 đồng/kg. Họ còn đặt hàng ông thường xuyên. Ông tâm sự: “Khi ấy, tôi vui lắm vì dông được mọi người biết đến. Lần lượt, nhiều nhà hàng ở TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước tìm mua đến nỗi tôi không đủ hàng để cung cấp”.
Tôi đang vận động người dân quanh vùng có đất trống cùng nuôi dông. Như thế, ngoài việc bảo đảm nguồn cung ứng cho các nhà hàng, khách sạn, mô hình này sẽ giúp nhiều người dân ngoại  thành vượt khó.
Ông Mai Văn Tòng
Theo ông, dông thuộc họ kỳ nhông, thịt trắng, dai và bổ nên thực khách rất ưa thích. Mỗi năm, dông đẻ 2-3 lần, mỗi lần đẻ từ 6-8 trứng. Khoảng 30 ngày, trứng nở thành con, sau 4 - 5 tháng, dông có thể xuất chuồng nên đem lại thu nhập cao cho người nuôi. Dông cũng là loài dễ nuôi, khi bị bỏ đói nhiều ngày, chúng không chết và đặc biệt không mắc bệnh dịch như những loài động vật khác nên phù hợp với người lớn tuổi. Ông cho biết: “Muốn dông mập, nhanh lớn, ngoài cho ăn các loại rau, quả, mỗi tuần 2 lần nên cho chúng ăn thêm thức ăn nuôi cá. Nơi nuôi dông phải thoáng mát, có đủ ánh sáng để dông lên tắm nắng”.
Nhân rộng nghề
Sau 2 năm thử nghiệm nuôi dông, đến nay, ông Mai Văn Tòng đã cung cấp cho thị trường 200 kg dông thịt và gần 100 kg dông giống. Ngoài ra, ông còn truyền kinh nghiệm cho nhiều bà con ở TPHCM và các tỉnh Long An, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu...
Nhà ông thường xuyên có khách lui tới. Tận mắt chứng kiến nhiều khách hàng chờ để được mua đàn dông giống, tôi nhận ra ông đã chọn hướng đi đúng bởi mô hình nuôi dông của ông không tốn nhiều chi phí lại có thu nhập cao. Anh Nguyễn Văn Trung, một khách hàng đến từ Trà Vinh, nói: “Tôi biết chú Tư qua mô hình nuôi dông thành công của một người bạn. Nhờ anh ấy chỉ dẫn mà tôi tìm đến đây để mua giống. Hy vọng mô hình này sẽ giúp ba mẹ tôi có thêm thu nhập khi về già”.